Với chủ đề “Ngày trở về yêu thương”, ngày 31/12/2022, Khoa Ngữ văn và Lịch sử (Khoa NV-LS), mobile bet 365 (Trường ĐHĐL) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa (1982 – 2022) cùng nhiều hoạt động ý nghĩa.
Lễ kỷ niệm có sự tham dự của TS. Lê Minh Chiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHĐL cùng lãnh đạo các khoa chuyên môn, phòng chức năng của Trường. Đông đảo giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, nguyên giảng viên, học viên, cựu học viên, sinh viên và cựu sinh viên của Khoa NV-LS, Trường ĐHĐL qua các thời kỳ đã tề tựu cùng nhau ôn lại chặng đường 40 năm đầy tự hào của Khoa.
Tại buổi lễ kỷ niệm, PGS. TS. Dương Hữu Biên – Trưởng Khoa NV-LS ôn lại truyền thống 40 năm đầy tự hào. Trong 40 năm qua, Khoa NV-LS, Trường ĐHĐL đã đào tạo hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, đội ngũ giảng viên, sinh viên các thế hệ của Khoa có quyền tự hào về những gì mà thầy và trò đã gặt hái được trên chặng đường nghiên cứu, giảng dạy, học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước. Liên tục nhiều năm Khoa NV-LS là tập thể lao động xuất sắc và nhiều lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Hiện nay, Khoa đã có được một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, gồm: 2 phó giáo sư – tiến sĩ, 15 tiến sĩ và số giảng viên còn lại đều có trình độ thạc sĩ. Khoa thuộc trong tốp đầu của trường về tỉ lệ giảng viên có trình độ cao.
Đồng thời, thay mặt đội ngũ giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên Khoa NV-LS, PGS. TS. Dương Hữu Biên đã bày tỏ lòng tri ân và sự tri ân đến các lãnh đạo của Trường ĐHĐL cùng các thế hệ lãnh đạo các khoa, phòng, các chuyên viên, nhân viên và người lao động trong Trường đã chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ và cộng tác với Khoa trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển. Trưởng Khoa NV-LS gửi lời cảm ơn chân thành đến thế hệ lãnh đạo, giảng viên của Khoa, cũng như hàng chục nghìn cựu sinh viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh các ngành đào tạo thuộc các bậc đào tạo.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Minh Chiến khẳng định: Khoa NV-LS là một trong những đơn vị chuyên môn có truyền thống lâu năm nhất của trường. Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Khoa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Khoa đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là một trong những đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong công cuộc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, trở thành một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của Trường ĐHĐL hiện nay.
Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm, Khoa NV-LS, Trường ĐHĐL đã tiến hành tổ chức bản thảo, tuyển chọn, biên tập và đã xuất bản 02 công trình tập thể mang tính tuyển tập:
(1) Cuốn sách NHỮNG VẤN ĐỀ NGỮ VĂN – LỊCH SỬ gồm 2 tập: Tập 1 – “Những vấn đề Ngữ văn và Báo chí” và Tập 2 – “Những vấn đề Lịch sử và Văn hóa”; có sự góp mặt của một số nhà khoa học đã quá cố, một số bài do gia đình chọn gửi đến và một số bài do chính Ban Biên tập tự tìm kiếm trong các công trình đã xuất bản từ trước đến nay như một nỗ lực nhằm tri ân và tưởng nhớ quý thầy cô đã cống hiến trọn đời cho giáo dục đại học, cho khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà. Ngoài ra còn có sự đóng góp bài vở của các nhà giáo về hưu, các nhà giáo đã chuyển công tác; và tất nhiên, có các giảng viên cơ hữu chuyên ngành và liên ngành. Một số NCS và học viên cao học thuộc hai chuyên ngành Lịch sử Việt Nam và Văn học Việt Nam cũng được BCN Khoa khuyến khích tham gia với những tác phẩm khoa học đầu tay rất đáng hoan nghênh.
(2) Kỷ yếu “Ký ức Cựu sinh viên 40 năm Khoa Ngữ văn và Lịch sử (1982 – 2022)” với những bài viết về thầy cô, những chia sẻ mang tính tri ân với những tình huống chân thực cụ thể, từ sự thu nhận tri thức, phương pháp học tập và nghiên cứu đến những tình cảm và thái độ ứng xử giữa thầy và trò; qua đó thầy cô đã nhen nhóm, khơi gợi và thúc đẩy sinh viên, những tâm sự thật lòng, những kỷ niệm sâu sắc trong ký ức… Đây tuy không phải là cuốn biên niên sử Khoa NV-LS, nhưng ít nhiều qua tuyển tập này, những thời kỳ phát triển nhất định, một số sự kiện quan trọng, những tên tuổi khả kính đã được nhắc đến…
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, các thế hệ thầy và trò của Khoa NV-LS hôm nay, sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển những giá trị, truyền thống đáng tự hào để xứng đáng trở thành cái nôi đào tạo Ngữ văn – Lịch sử của vùng Tây Nguyên.
Năm 2022, tròn 40 năm kể từ khi Khoa Ngữ văn và Lịch sử, lúc ấy gọi là Khoa Văn Sử, đã có mặt trong đại gia đình các khoa đào tạo của Đại học Đà Lạt. Ngày 6 tháng 8 năm 1982, nhiều giảng viên Ngữ văn và Lịch sử đã tạm biệt Khoa Sư phạm thuộc Trường Đại học Tây Nguyên đề về công tác tại Trường ĐHĐL. Thông thường, các trường đại học sẽ thành lập Khoa rồi tiến hành tuyển sinh, hoặc từ ban đào tạo phát triển thành khoa, hoặc từ ngành của khoa đa ngành tách ra lập khoa mới. Riêng Khoa Văn – Sử của chúng ta ngay từ khi thành lập đã có sinh viên ngành Văn các khóa 3, 4 và 5, cùng với các thầy cô giáo của mình chuyển về trường mới. Khi chuyển đến Trường ĐHĐL thì Khoa có thêm khóa mới: Văn khóa 6, là khóa tuyển sinh chính thức đầu tiên tại ngôi trường này. Vậy là ngay khi vừa thành lập, Khoa đã có sẵn thầy cô giáo và có đủ cả 4 khóa đào tạo. Đó chính là điểm đặc thù hy hữu đáng nhớ trong lịch sử Khoa Văn – Sử trong những ngày đầu và Khoa NV-LS ngày nay.
Thầy trò Khoa NV-LS xin ghi nhận công lao và chân thành biết ơn thế hệ “khai sơn phá thạch” năm ấy, bao gồm các thầy cô khả kính: Thầy Lê Văn Sơn – người Phụ trách Khoa Văn – Sử đầu tiên, cùng nhiều thầy cô ngành Văn: thầy Phạm Hậu Thành, thầy Nguyễn Khắc Huấn, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, cô Phan Thị Hồng, thầy Vũ Minh Tiến, thầy Nguyễn Văn Kha, thầy Nguyễn Hữu Hiếu, thầy Đỗ Quốc Cường, thầy Nguyễn Hồng Dũng; và các thầy cô khả kính thuộc ngành Sử: thầy Nguyễn Cảnh Huệ, thầy Cao Thế Trình, thầy Lê Đình Bá, thầy Nguyễn Thông, cô Hoàng Thị Như Ý, cô Thu Nhung Mlô Duôn Du…
Các giảng viên thế hệ đầu tiên này xuất phát từ hai “lò” đào tạo là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh. Họ chính là những bậc khai Khoa. Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách cuối thời bao cấp, với lòng yêu nghề yêu trẻ, lớp giảng viên trong độ tuổi trên dưới 30 đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hình thành và khai mở vườn ươm trí tuệ, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh, đào tạo và quản lý sinh viên. Hầu hết lớp giảng viên đầu tiên này đã nỗ lực phấn đấu tu nghiệp và đã đạt học vị TS hoặc học hàm PGS, nhiều người lần lượt trở thành lãnh đạo khoa, phòng sau này.
Khoảng từ năm 1982 đến 1994, Khoa liên tiếp được bổ sung các nguồn mới vào đội ngũ giảng viên, lúc đấy gọi là cán bộ giảng dạy. Trước hết là các nhà nghiên cứu đến từ miền Bắc, từ các viện khoa học và trường đại học ở Hà Nội: PGS. PTS Nguyễn Khắc Tụng từ Viện Dân tộc học, trở thành Chủ nhiệm Khoa Văn – Sử; GV Nguyễn Tuấn Tài (từ Viện Ngôn ngữ học) cùng thầy Lê Văn Sơn là đồng Phó Chủ nhiệm Khoa. Có mặt từ những năm tháng ấy còn có thầy Lê Hồng Bình từ Viện Dân tộc học, khi tách khoa làm Phụ trách, về sau là Trưởng Khoa Lịch sử; PGS Hồ Tấn Trai – nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã về Trường ĐHĐL, là Chủ nhiệm Khoa Văn Sử, sau là Chủ nhiệm Khoa Văn. PGS Nguyễn Gia Phu từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã vào Đà Lạt và từng là Trưởng ban Lịch sử. Năm 1994, PGS.TS Lê Chí Dũng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Trường đảm nhiệm cương vị Trưởng Khoa KHXH & NV (khi nhập khối khoa ngành) và Trưởng Khoa Ngữ văn (khi tách khoa lớn, các Ban đào tạo lại được phục hồi thành các khoa). Chúng ta tri ân sự có mặt kịp thời của các nhà khoa học thành danh đã góp phần rất lớn trong công tác chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Khoa, của Trường. Kể từ đó, nhiều đề tài khoa học được triển khai, đa phần gắn với phục vụ đào tạo và phục vụ Tây Nguyên, nhiều công trình khoa học tập thể được xuất bản, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học được tổ chức.
Trong quãng thời gian này, bên cạnh một số giảng viên từ nguồn cơ hữu của Viện Đại học Đà Lạt như thầy Nguyễn Thanh Châu, thầy Nguyễn Hồng Giáp, Khoa được bổ sung các giảng viên từ các trường Cao đẳng và Trung học phổ thông như cô Hồ Thị Kim Hoàng, thầy Phạm Quang Trung, thầy Nguyễn Đình Hảo, thầy Nguyễn Minh, thầy Hoàng Trọng Hà. Một số sinh viên giỏi cũng đã được giữ lại Khoa để làm giảng viên như: thầy Hoàng Đức Lâm, cô Hà Thị Mai, cô Huỳnh Thị Minh Phượng, thầy Nguyễn Văn Minh và thầy Huỳnh Văn Thông.
Đặc biệt, Khoa cũng được bổ sung nhân sự khi Trường tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Ngữ văn, Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Đó là thầy Phạm Quốc Ca, thầy Trần Văn Bảo, thầy Lê Hồng Phong, thầy Nguyễn Công Chất, thầy Dương Hữu Biên, thầy Bùi Văn Hùng, thầy Lê Minh Chiến,… Thầy Hà Nhật Tĩnh tốt nghiệp đại học từ Liên Xô cũng về công tác tại Khoa trong thời gian này. Hầu hết các giảng viên này đã tiếp tục đóng góp cho sự phát triển Khoa, nhiều người lần lượt trở thành lãnh đạo Trường và lãnh đạo các khoa, phòng.
Các nhà giáo – nhà khoa học vừa kể trên đây, đa phần đã nghỉ hưu hoặc cận hưu, một số thầy cô đã chuyển công tác, một số nhà giáo lão thành đã đi xa… Khoa đã trải qua nhiều chặng đường phát triển với những lần tách nhập khác nhau nhưng luôn kế thừa và phát triển về công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ một cách khá liên tục. Quá trình đào tạo trí thức cho đất nước cũng là quá trình tự đào tạo và nghiên cứu khoa học của chính đội ngũ giảng viên. Hiện nay lực lượng cơ hữu chủ chốt của Khoa Ngữ văn vả Lịch sử là các giảng viên ở độ tuổi từ 35 – 45, hầu hết có trình độ thạc sĩ trở lên, hơn một nửa đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, chưa tính số NCS. Thế hệ trẻ trung này trong đội ngũ những người “gieo trồng” chữ nghĩa thực sự vừa là hiện tại vừa là tương lai đầy triển vọng của Khoa NV-LS đáng tin tưởng và tự hào.
Về công tác tuyển sinh và đào tạo: 40 năm có rất nhiều thành tựu và cũng có những bước thăng trầm nhất định. Như đã nói ở trên, ngay từ đầu thành lập Khoa, chúng ta đã có ngay 4 khóa đào tạo của ngành Ngữ văn (gồm cả tổng hợp và sư phạm). Năm 1982 tuyển sinh lớp văn K6 và năm 1984 tuyển sinh lớp Sử K8 là những lớp tuyển sinh đầu tiên tại ngôi trường mới. Liên tục trong những khóa đầu tiên cho đến khoảng 1990, các lớp Văn và Sử có sĩ số trung bình từ 30 – 50, cá biệt có lớp thấp hơn hoặc cao hơn không đáng kể. Trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh toàn trường cho cả Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử ban đầu chỉ khoảng 100, về sau tăng lên 200/năm, thì tỉ lệ sinh viên Văn, Sử như vậy cũng là khá cao. Có 1 khóa đào tạo liên ngành Văn-Sử trong 2 năm đầu là khóa 12, nhưng sau đó trở lại đào tạo bình thường riêng ngành Văn, ngành Sử, riêng Khoa Văn, Khoa Sử cho đến khi thành lập Khoa KHXH&NV. Đến năm 1991, tức khóa 15, ngành Văn có chừng 120 sinh viên. Từ đó số lượng sinh viên tăng liên tục. Có lẽ khóa 20 là đỉnh cao nhất về số lượng thí sinh thi và trúng tuyển vào khối C đạt mức kỷ lục với Văn K20 trên 400 và Sử 20 trên 300 tính từ năm 1996 trở về trước… Khóa 23 là khóa cuối cùng đào tạo theo 2 giai đoạn. Từ K24, sinh viên về Khoa ngay từ năm thứ Nhất, nhưng sĩ số cao của cả 2 ngành Văn, Sử vẫn được giữ cho đến các khóa 26, 27… với 2 lớp A, B cho mỗi ngành trong nhiều khóa. Đó cũng là lúc mà Trường ta đạt quy mô từ 25-28 nghìn sinh viên các hệ khác nhau…
Năm 1986, Khoa bắt đầu tuyển sinh đào tạo khóa 1 đại học tại chức cả ngành Văn và Sử nhằm đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ của người học, chủ yếu là cán bộ đi học. Về sau, căn cứ tình hình thực tế, Khoa còn đào tạo Đại học Ngữ văn-Báo chí hệ chuyên tu; có một vài khóa đào tạo Đại học từ xa, song về cơ bản cả khoa và trường không đẩy mạnh hệ từ xa này nhằm giữ uy tín và chất lượng cho thương hiệu. Khoa Ngữ văn và Khoa Lịch sử cũng đảm bảo tốt phần chuyên ngành trong khi phối hợp với Khoa Sư phạm đào tạo hệ Liên thông từ giáo viên cấp 2 lên đại học, lúc ấy quen gọi là Đại học hóa.
Ngoài việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy các ngành Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Sư phạm Lịch sử, giảng viên của Khoa còn đóng góp vào việc khai mở, đào tạo hoặc tham gia quản lý các ngành mới, khoa mới như: Khoa Sư phạm (với các Trưởng khoa kế tục nhau là TS Nguyễn Khắc Huấn và TS Nguyễn Mạnh Hùng), ngành Việt Nam học và khoa Đông phương (PGS.TS Cao Thế Trình Trưởng ban, sau làm Trưởng khoa), Khoa Luật học (PGS.TS Bùi Văn Hùng là Trưởng khoa), Ban Xã hội học (ThS Hà Thị Mai là Trưởng ban), Khoa Công tác xã hội – Phát triển Cộng đồng (Thầy Nguyễn Tuấn Tài là Trưởng khoa), ngành Văn hóa học (PGS.TS Phan Thị Hồng là Trưởng khoa kiêm Trưởng bộ môn), Khoa sau Đại học (TS. Hoàng Thị Như Ý, TS Võ Tấn Tú là lãnh đạo khoa), ngành Văn hóa Du lịch (TS. Võ Thị Thùy Dung – Trưởng bộ môn), ngành Trung Quốc học (TS. Nguyễn Cảnh Chương – Phụ trách ngành)… Như vậy là giảng viên cơ hữu của Khoa đã đóng góp vào việc xây dựng và phát triển rất nhiều khoa, ngành của Trường từ trước đến nay.
Đến nay, về tuyển sinh và đào tạo, không thể phủ nhận rằng, do những nguyên nhân khách quan, quy mô các ngành khối khoa học cơ bản của trường, trong đó có Văn học và Lịch sử, đã giảm xuống rõ rệt trong 5 năm gần đây. Khoa và Trường đang cố gắng duy trì các ngành, và rất vui là trong năm 2022, việc tuyển sinh các ngành Văn, Sử đã có dấu hiệu tái khởi sắc. Đặc biệt Khoa đã được phép tuyển sinh và trực tiếp đào tạo 2 ngành mới là Văn hóa Du lịch và Trung Quốc học. Tín hiệu vui là ngành Trung Quốc học, ngay khóa đầu tiên, đã tuyển được trên 60 sinh viên và khóa thứ 2 đã tuyển được gấp đôi. Nhà trường đang tạo điều kiện tốt nhất để giúp Khoa tuyển sinh, duy trì và phát triển các ngành.
Không chỉ đào tạo các ngành hệ đại học, Khoa đã và đang phát triển mạnh đào tạo sau đại học. Từ 1994, các lớp cao học liên kết do Trường Đại học KHXH TPHCM mở tại Đại học Đà Lạt chủ yếu là đào tạo giảng viên cơ hữu ngành Văn học, Ngôn ngữ học và ngành Lịch sử cho Trường. Đến nay, Khoa đang đào tạo Cao học Khóa 30 ngành Văn học Việt Nam và Lịch sử Việt Nam. Khoa cũng đã và đang đào tạo bậc tiến sĩ. Ngành Lịch sử Việt Nam đi trước một bước trong việc tổ chức bảo vệ luận án để Trường cấp bằng tiến sĩ; ngành Văn học Việt Nam đầu năm 2023 cũng sẽ tiến hành thủ tục bảo vệ luận án tiến sĩ cho 02 NCS. Khoa cũng nhiệt liệt hoan nghênh và hy vọng được đón nhiều anh chị CSV về trường để học tập, nghiên cứu và nhận học vị ThS hoặc TS.
Trong quá trình đào tạo Cao học và NCS hơn 20 năm nay, cả ngành Sử và ngành Văn đều nhận được sự cộng tác và giúp đỡ liên tục của hàng chục GS, PGS, TS ngoài trường. Họ đã thỉnh giảng, hướng dẫn, phản biện và tham gia các Hội đồng chấm luận văn, luận án. Trước đó, hàng chục giảng viên của Khoa đã đi tu nghiệp trở thành TS tại các cơ sở đào tạo ngoài Trường, nhiều nhất là từ Trường ĐHKHXH & NV và ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
Về phương diện nghiên cứu khoa học: Thành tựu nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và một bộ phận sinh viên đã ngày càng tăng trưởng song song với quá trình đào tạo, tự đào tạo của thầy cô. Hàng trăm đề tài khoa học cấp Trường, hàng chục đề tài khoa học cấp Bộ, nhiều đề tài khoa học sinh viên, đề tài khoa học cấp Tỉnh đã gắn kết đào tạo với khoa học, nhà trường với địa phương, bước đầu có ứng dụng nhất định trong thực tiễn. Hàng trăm bài báo của giảng viên được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, hàng chục cuốn sách được xuất bản có chỉ số quốc tế. Có thể nói rằng, nhờ chất lượng các luận án tiến sĩ đạt loại tốt hoặc xuất sắc nên hậu tiến sĩ là những cuốn sách chuyên khảo được xuất bản, trong đó một số cuốn đã nhận được giải thưởng của trung ương và địa phương.
Ngoài thành tích và kết quả về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu khoa học, Khoa Ngữ văn và khoa Lịch sử trước đây, Khoa NV-LS hôm nay luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự cộng tác của các phòng chức năng. Nhờ đó Khoa cũng đã làm tốt các công tác khác như: công tác chính trị, công tác sinh viên, công tác Công đoàn, Đoàn thanh niên – Hội Sinh viên, công tác Kiểm định chất lượng và nhiều công tác quan trọng khác.
Với thành tựu đào tạo hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho Tây Nguyên nói riêng, cho Việt Nam nói chung, đội ngũ giảng viên và sinh viên các thế hệ có quyền tự hào về những gì mà thầy trò Ngữ văn và Lịch sử đã gặt hái được trên chặng đường nghiên cứu, giảng dạy, học tập và cống hiến cho xã hội. Liên tục nhiều năm Khoa là Tập thể lao động xuất sắc, nhiều lần nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các khen thưởng của Trường.
Các đơn vị báo, đài đưa tin:
- Báo Lâm Đồng:
- Đài phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng:
Phòng Tạp chí và Truyền thông